Dưới thời Tiền Yên Mộ Dung Thùy

Dưới thời Mộ Dung Hối và Mộ Dung Hoảng

Mộ Dung Thùy sinh năm 326, cha ông là Mộ Dung Hoảng lúc đó vẫn là thế tử của Liêu Đông công Mộ Dung Hối, một chư hầu của nhà Tấn. Mộ Dung Thùy là con trai thứ năm của Mộ Dung Hoảng. Cha ông sau khi kế vị tước hiệu Liêu Đông công vào năm 333 đã muốn lập ông làm thế tử song các quan lại đã chống lại hành động này và muốn lập người con trưởng của chính thất là Mộ Dung Tuấn, Mộ Dung Hoảng chấp thuận yêu cầu của các bá quan song vẫn rất sủng ái ông và chính thức đặt tên cho ông là Mộ Dung Bá (慕容霸, Bá nghĩa là bá chủ). Do vậy, Mộ Dung Tuấn rất ghen tị với người em trai của mình.

Mộ Dung Bá trở thành một tướng quân của phụ thân từ khá sớm, sau khi ông ta xưng làm Yên vương và lập nước Tiền Yên, mặc dù trên danh nghĩa thì Tiền Yên vẫn là một chư hầu của Tấn. Năm 344, vì có những đóng góp trong cuộc chinh phục Vũ Văn bộ, Mộ Dung Bá đã được phong làm Đô Hương hầu. Sau đó, Mộ Dung Bá được phân đến vùng biên giới với kinh địch Hậu Triệu, tướng Đặng Hằng (鄧恆) của Hậu Triệu khi đó đang tìm cơ hội để tiến đánh Hậu Yên, và Mộ Dung Bá đã thắng lợi trước họ Đặng, khiến cho Đặng không thể mở một chiến dịch. Trong một lần săn bắn, ông đã bị ngã ngựa và mất một chiếc răng. Sau khi Mộ Dung Tuấn kế vị Mộ Dung Hoảng năm 348, do ông ta vẫn còn ghen tị với Mộ Dung Bá nên đã đổi tên cho hoàng đệ thành Mộ Dung Quái, song sau đó đã nhanh chóng phát hiện ra rằng Quái là một chữ có nghĩa là thịnh vượng trong tiên tri, và do đó lại một lần nữa đổi tên ông thành Mộ Dung Thùy, và từ đó ông được biết đến với cái tên này.

Dưới thời Mộ Dung Tuấn

Ngay sau khi Mộ Dung Tuấn kế vị Mộ Dung Hoảng, nước Hậu Triệu ở phương nam sụp đổ sau cái chết của Thạch Hổ, các con trai của Thạch Hổ và Thạch Mẫn (về sau cải tên về họ của cha ruột là "Nhiễm") đã xung đột với nhau. Mặc dù phía kình địch đang rối loạn, Mộ Dung Tuấn vẫn lưỡng lự trong việc nam chinh để chiếm lãnh thổ Hậu Triệu, song Mộ Dung Thùy đã thuyết phục ông rằng thời cơ đã chín muồi. Mộ Dung Thùy sau đó là một trong các tướng chính trong đại quân nam chinh của Mộ Dung Tuấn, quân Tiền Yên đã bắt và giết được Nhiễm Mẫn vào năm 352, chiếm được nửa phía đông của lãnh thổ Hậu Triệu. Trong những năm tiếp theo, Mộ Dung Thùy đã tham gia chinh phạt nhiều tướng của Hậu Triệu vẫn còn bán độc lập. Vào mùa đông năm 352, Mộ Dung Tuấn chính thức tuyên bố độc lập khỏi Tấn, xưng đế, và năm 354, ông ta đã lập nhiều hoàng tử, hoàng đệ và hoàng thân làm thân vương, Mộ Dung Thùy khi đó được phong làm Ngô vương.

Tuy nhiên, Mộ Dung Tuấn vẫn tiếp tục ghen tị với tài năng của Mộ Dung Thùy. Trong một thời gian ngắn, Mộ Dung Thùy được giao chức phòng thủ một thành quan trọng và cũng là cố đô, tức Long Thành (龍城, nay là Cẩm Châu, Liêu Ninh), song sau khi Mộ Dung Thùy cai quản khu vực này một cách thành công và giành được sự ủng hộ của người dân, Mộ Dung Tuấn lại sợ hãi và triệu hồi ông về kinh đô Nghiệp Thành (鄴城, nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc).

Năm 358, Mộ Dung Thùy đã mất đi vương phi họ Đoàn của mình trong một mưu đồ chính trị. Đoàn vương phi là con gái của Đoàn Mạt Ba (段末波) và có nguồn gốc từ tộc tưởng của Đoàn bộ, bà tự hào vì xuất thân của mình và thiếu tôn trọng Khả Túc Hồn Hoàng hậu. Có lẽ do bị Hoàng hậu xúi giục nên hoạn quan Niết Hạo (涅浩) đã vu cáo Đoàn vương phi dùng yêu thuật. Mộ Dung Tuấn đã cho bắt bà cùng người bị cho là đồng mưu là Cao Bật (高弼), người này cũng là một trợ thủ của Mộ Dung Thùy.

Đoàn vương phi và Cao Bật đã bị tra tấn, tuy nhiên họ vẫn từ chối nhận tội dùng yêu thuật và vì thế lại càng bị tra tấn hơn nữa. Mộ Dung Thùy đau buồn trước những gì mà vợ mình phải chịu nên ông đã gửi một lời nhắn để thuyết phục bà nhận tội để chấm dứt nỗi đau khổ của mình, song vương phi đã từ chối vì lo sợ nó có thể liên lụy đến gia tộc họ Đoàn của mình.

Trong những lần thẩm vấn, Đoàn vương phi đã trả lời một cách hợp lý và Mộ Dung Thùy đã tránh được việc bị lôi kéo vào vụ việc, tuy vậy vương phi vẫn chết trong ngục do bị tra tấn hoặc bị hành hình bí mật.

Mộ Dung Thùy sau đó lấy chị em gái của bà làm vương phi mới. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, Khả Túc Hồn Hoàng hậu đã ra lệnh phế bỏ Đoàn vương phi, và gả một chị em gái của Hoàng hậu cho Mộ Dung Thùy làm tân vương phi. Mộ Dung Thùy đã không dám từ chối, song ông cũng không hài lòng, và Hoàng hậu đã trở nên bực tức với ông. Do vậy, Mộ Dung Thùy trong một thời gian ngắn đã bị đưa đi làm thứ sử ở Bình Châu (平州, nay là đông bộ Liêu Ninh) xa xôi. Ông đã chỉ được triệu hồi về kinh khi Mộ Dung Tuấn lâm bệnh vào năm 359.

Năm 360, Mộ Dung Tuấn qua đời và thái tử Mộ Dung Vĩ lên kế vị, người nhiếp chính là Thái Nguyên vương Mộ Dung Khác.

Dưới thời Mộ Dung Vĩ

Mộ Dung Khác nhiếp chính

Không giống như Mộ Dung Tuấn, Mộ Dung Khác rất tin tưởng Mộ Dung Thùy và tham khảo ý kiến của ông trong nhiều quyết định, bao gồm phải làm gì với Mộ Dư Căn (慕輿根) khi người này âm mưu làm phản năm 360. Cuối năm đó, Mộ Dung Khác đã cử Mộ Dung Thùy đi bình định các châu phía nam (những nơi này đã rối loạn sau cái chết của Mộ Dung Tuấn). Năm 365, ông đã giúp Mộ Dung Khác chiếm thành Lạc Dương của Đông Tấn, và sau đó đã trở thành chỉ huy quân Tiền Yên ở phương nam, chống lại các cuộc phản công nếu có của Đông Tấn.

Năm 367, Mộ Dung Khác lâm bệnh và lúc trên giường bệnh, ông ta đã khuyên Mộ Dung Vĩ hãy để Mộ Dung Thùy kế nhiệm mình. Ông ta cũng cố thuyết phục anh trai Mộ Dung Vĩ là Mộ Dung Tang (慕容臧) và đồng nhiếp chính Mộ Dung Bình (慕容評) ít nhất cũng nên trao binh quyền cho Mộ Dung Thùy. Tuy vậy, sau cái chết của Mộ Dung Khác, Mộ Dung Bình và Khả Túc Hồn Hoàng hậu đã không làm theo lời khuyên này, Mộ Dung Bình là người nhiếp chính duy nhất trong khi binh quyền nằm trong tay Mộ Dung Xung (慕容沖).

Mộ Dung Bình nhiếp chính

Cả Mộ Dung Bình và Khả Túc Hồn Hoàng hậu đều không tin tưởng Mộ Dung Thùy, và ông do vậy cũng không được trao các nhiệm vụ quan trọng. Năm 368, khi bốn công tước của nước Tiền Tần nổi loạn chống lại hoàng đế Phù Kiên và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Tiền Yên, Mộ Dung Thùy là một trong những người ủng hộ việc trợ giúp cho bốn công tước này và nắm lấy cơ hội để chinh phục Tiền Tần. Tuy nhiên, Mộ Dung Bình đã từ chối làm như vậy, quân Tiền Tần sau đó đã bắt được và giết chết bốn công tước.

Năm 369, tướng Hoàn Ôn của Tấn mở một chiến dịch tấn công Tiền Yên, đánh bại các đội quân Tiền Yên đến giao chiến và tiến đến Phương Đầu (枋頭, nay thuộc Hạc Bích, Hà Nam), gần Nghiệp Thành. Mộ Dung Vĩ và Mộ Dung Bình hoảng sự và nghĩ đến chuyện chạy trốn về cố đô Long Thành. Tuy nhiên, Mộ Dung Thùy đã tình nguyện dẫn quân đi đánh Hoàn Ôn một lần cuối, và ông cùng với em trai Mộ Dung Đức đã khiến cho Hoàn Ôn phải đại bại. Quân cứu viện từ Tiền Tần (được Tiền Yên yêu cầu) sau đó đã đến, và hai đội quân đã đánh bại Hoàn Ôn trong một trận đánh lớn khác, chấm dứt tham vọng tiêu diệt Tiền Yên của Hoàn Ôn.

Tuy nhiên, Mộ Dung Bình và Khả Túc Hồn Hoàng hậu sau đó thậm chí còn có thái độ ghen tị hơn với Mộ Dung Thùy và từ chối ban thưởng cho các binh lính của ông như thỉnh cầu. Mộ Dung Bình và Khả Túc Hồn Hoàng hậu còn tính đến việc giết chết ông. Con trai của Mộ Dung Khác là Mộ Dung Khải (慕容楷) và cậu của Mộ Dung Thùy là Lan Kiến (蘭建) đã đề nghị rằng ông nên tiến hành chính biến, song Mộ Dung Thùy đã từ chối. Thay vào đó, ông nghe theo lời thế tử Mộ Dung Lệnh (慕容令), tìm cách chạy trốn và tiếp quản Long Thành để cố hòa giải với triều đình.

Mộ Dung Thùy thực hiện kế hoạch vào mùa đông năm 369. Tuy nhiên, khi ông rời Nghiệp Thành, người con trai Mộ Dung Lân mà ông không sủng ái đã quay trở lại Nghiệp Thành và báo cáo với triều đình, Mộ Dung Bình vì thế đã cử một đội quân đuổi theo ông. Mộ Dung Thùy sau đó đã thay đổi kế hoạch và chạy trốn đến Tiền Tần. Ông sau đó giải tán những người đi theo và chạy về phía nam. Trên đường, một người con trai khác là Mộ Dung Mã Nô (慕容馬奴) đã muốn chạy về Nghiệp Thành và đã bị ông giết chết. Khi ông dừng chân ở Hoàng Hà, ông đã giết chết chỉ huy của đội quân chặn đường mình, sau đó chạy đến Tiền Tần cùng Đoàn vương phi và các con trai gồm Mộ Dung Lệnh, Mộ Dung Bảo, Mộ Dung Nông, Mộ Dung Long, cùng với Mộ Dung Khải, Lan Kiến và Cao Bật. Còn Khả Túc Hồn vương phi thì vẫn ở lại Nghiệp Thành.